Cây hoa mộc lan du nhập về Việt Nam có đặc điểm, ý nghĩa gì
thiet-ke-doi-tung san-vuon-nhat-ban san-vuon-trung-quoc san-vuon-chau-au-hien-dai

Cây hoa mộc lan du nhập về Việt Nam có đặc điểm, ý nghĩa gì

5/5 - (1 bình chọn)

Cây hoa mộc lan tưởng chừng chỉ được thấy trên sách báo, phim ảnh nhưng ngày nay giống cây hoa độc đáo này đã được du nhập về Việt Nam để thoả mãn niềm yêu thích, sưu tầm của những người yêu hoa cây cảnh nói chung, và những người có tình yêu mãnh liệt đối với loài hoa này nói riêng. Bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu về nguồn gốc, đặc điểm và ý nghĩa của cây hoa mộc lan nhé.

cay-hoa-moc-lan-20a

Giới thiệu về cây hoa mộc lan

Cây hoa mộc lan (tên khoa học : Magnolia denudata), còn được gọi là Magnolia, là một loài cây thân gỗ rụng lá trong họ Magnoliaceae thường được trồng làm cây cảnh sân vườn. Cây hoa mộc lan nhập khẩu về Việt Nam hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc. Loài hoa này vốn được trồng phổ biến và phân bố rộng khắp trên đất nước tỉ dân này, hoa mộc lan hiện được trồng nhiều ở Bắc Kinh và phía nam lưu vực sông Hoàng Hà.

  • Thông tin cơ bản về cây hoa mộc lan:

Hoa mộc lan là cây rụng lá, chiều cao của cây thường là 2-5 mét hoặc cao tới 15 mét. Những bông hoa mộc lan nhiều màu sắc có kích thước to và có mùi thơm nồng nàn đặc trưng, từ khi những cánh hoa đầu tiên mở ra đến lúc tàn được khoảng 10 ngày, độ bền của hoa tuỳ thuộc vào nhiệt độ, thời tiết. Cây hoa mộc lan là loại cây nổi tiếng ở Trung Quốc có lịch sử trồng trọt khoảng 2.500 năm. Nó thường được nhân giống bằng cách gieo hạt và ghép. Nó thích những nơi ấm áp, nhiều nắng, đất ẩm ướt nhưng thoát nước tốt, yêu cầu đất màu mỡ và không bị đọng nước. Cây hoa mộc lan có khả năng chống lạnh mạnh và có thể sống sót qua mùa đông một cách an toàn ở -20°C tại những nước có khí hậu ôn đới.

  • Nguồn gốc của cây hoa mộc lan:

Hoa mộc lan được cho là có nguồn gốc ở miền Trung và miền Nam của Trung Quốc, cụ thể là lưu vực sông Dương Tử, cây hoa mộc lan còn mọc hoang ở Lộc Sơn, Hoàng Sơn, núi Nga Mi và những nơi khác. Sau đó được nhân giống, trồng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều tài liệu ghi lại rằng cây hoa mộc lan đã xuất hiện ở Trung Quốc từ 2500 năm trước và từng là một loại cây cảnh quý hiếm thuở xưa.

cay-hoa-moc-lan-6aa
Hình ảnh cây hoa mộc lan trắng nở rộ trong khuôn viên

Đặc điểm của cây hoa mộc lan

Cây hoa mộc lan (Magnolia) là loài cây thân gỗ rụng lá hay cây bụi trong họ mộc lan, đây là loại cây có dáng cây đẹp, hoa to và lộng lẫy, quý phái, sang trọng, có mùi thơm ngát. Hoa mộc lan có các màu tím, đỏ đậm, hồng phấn, hồng phấn, vàng tươi, vàng sữa, trắng tinh, trắng sữa,… được ưa chuộng trồng trong sân vườn. Cây hoa mộc lan là loại cây cảnh truyền thống quý, được sử dụng trong vườn từ lâu đời ở Trung Quốc. Hoa mộc lan nở trước lá non mọc, nụ chi chít cành, sau một đêm gió ấm, hoa đồng loạt bung cánh đón nắng đầu xuân, trở thành loài hoa nở sớm nhất đầu xuân ở Trung Quốc. Vậy khi du nhập về Việt Nam, cây hoa mộc lan có đặc điểm gì? Mình cùng nhau tìm hiểu nhé.

Đặc điểm hình thái của cây hoa mộc lan

Cây hoa mộc lan lá hình trứng ngược, tán thưa, nụ hoa có một lớp vỏ màu nâu bọc bên ngoài. Bông hoa mộc lan thuộc loại to, đường kính hoa trung bình 12-15 cm. Quả hình trụ, màu nâu: quả nang, nứt ra sau khi chín, hạt có màu đỏ.

Cây hoa mộc lan là cây rụng lá vào mùa đông ở nơi khí hậu ôn đới có mùa đông lạnh. Chiều cao cây có thể lên tới tới 25 mét trong tự nhiên, đường kính tới 200 cm, khi còn non tán có hình trứng hẹp, khi trưởng thành có hình trứng rộng hoặc hình trứng thưa. Cây hoa mộc lan được trồng từ hạt thường có thân rõ, thân cây to khỏe, dáng đứng uy nghiêm, khả năng sinh trưởng mạnh, đốt dài, cành thưa nhưng số lượng hoa hơi thưa. Cây hoa mộc lan được trồng từ cây ghép thường có đặc điểm là nhiều thân hoặc thân có cành thấp, đốt ngắn, cành rậm rạp, thân cây nhỏ nhắn tinh xảo nhưng lại ra nhiều hoa.

Vỏ cây hoa mộc lan non có màu trắng ngà, nhẵn ít nứt nẻ, khi già màu xám đen, sần sùi nứt nẻ. Cành con màu nâu xám. Các chồi cuối và cuống hoa được bao phủ bởi những sợi lông xoăn dài màu vàng xám, lông tơ như lông chuột non, đặc biệt là vào mùa đông. Cây hoa mộc lan phân cành thay đổi theo tuổi và sinh trưởng của cây, khi còn non chồi đơn kéo dài nên thân chính lộ rõ, tán lá đều đặn và phát triển mạnh hơn.

cay-hoa-moc-lan-vang
Cây hoa mộc lan màu vàng khá quý, hiếm trên thị trường

Đặc điểm sinh trưởng của cây hoa mộc lan

  • Thời điểm ra hoa

Loài hoa này nở hoa rộ vào khoảng tháng 2-3 ở Trung Quốc, đó cũng chính là lý do vào thời điểm này thị trường hoa cây cảnh ở Việt Nam sôi động hơn với sự góp mặt của cây hoa mộc lan chi chít nụ hoa nhập từ Trung Quốc về trưng dịp tết, dịp đầu xuân năm mới. Hoa mộc lan nhạy cảm hơn với nhiệt độ, ở Trung Quốc càng xa về phía nam, nó sẽ nở hoa càng sớm. Nó nở hoa vào tháng 5 ở Bắc Kinh, tháng 4 ở Hà Nam, tháng 3 ở Thượng Hải và tháng 2 ở Côn Minh.

Với những cây hoa mộc lan đã thuần dưỡng, trồng trên một năm ở Việt Nam thì cây sẽ ra hoa rải rác trong năm. Khí hậu Việt Nam là khí hậu nhiệt đới, phần lớn thời gian trong năm là nắng ấm nên hoa sẽ ra liên tục, từ lúc ra nụ tới lúc khi nở hoa mất khoảng vài tháng, hơn nữa nụ cũng không ra hết trên cây một lần, do vậy từ lúc những nụ hoa đầu tiên ra nụ rồi nở hoa có thể lại có những nụ khác tiếp tục chồi lên. Đó là lý do tại sao nói cây hoa mộc lan tại Việt Nam ra hoa rải rác trong năm, không ra một mùa như ở Trung Quốc hay các nước có khí hậu ôn đới là vì vậy.

  • Điều kiện sinh trưởng, phát triển:

Cây hoa mộc lan ưa sáng, chịu lạnh tốt và có thể sống sót qua mùa đông băng giá ngoài trời. Cây thích trồng ở nơi khô ráo cao, tránh nơi trồng bị úng nước dễ thối rễ. Cây ưa đất cát pha màu mỡ, thoát nước tốt và hơi chua, cũng có thể phát triển trên đất phèn yếu.

  • Mùa rụng lá:

Ở Trung Quốc hay các nước có khí hậu ôn đới, nơi có mùa đông giá lạnh thì cây hoa mộc lan sẽ rụng lá vào mùa đông. Thời điểm này, trên cành cây chỉ còn chi chít nụ, những chiếc lá xanh mướt đã chuyển sang màu vàng, khô héo rồi rụng.

Ở Việt Nam khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, kể cả khi trồng ở miền Bắc thì mùa đông cũng không đủ lạnh để cây hoa mộc lan có thể sinh trưởng giống với Trung Quốc hay các nước ôn đới khác. Cây cũng rụng lá nhưng không chỉ rụng vào mùa đông mà mùa hè nắng nóng cây cũng có thể vàng lá rồi thay lá mới. Hoa thì mọc rải rác trong năm chứ không tập trung vào một mùa nhất định.

Cay-hoa-moc-lan-trang-1a
Hoa mộc lan trắng không hề tẻ nhạt như nhiều người tưởng tượng, chúng thậm chí rất nổi bật

Cách trồng và chăm sóc cây hoa mộc lan

Việc trồng và chăm sóc cây hoa mộc lan không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, nó giống như hầu hết các loại cây thân gỗ khác. Thực tế thì đây là loại cây khá dễ trồng, dễ chăm sóc, duy có điều khá nhạy cảm với nhiệt độ nên nếu nhiệt độ cao thì lá cây có thể chuyển sang màu vàng, rụng bớt. Dù vậy thì cũng không quá ảnh hưởng nhiều do chúng sẽ ra lá mới ngay sau đó. Dưới đây mình sẽ cập nhật chi tiết cách trồng cây hoa mộc lan, cách chăm sóc cây hoa mộc lan để các bạn tham khảo thêm nhé.

Xem thêm: cách trồng và chăm sóc cây hoa mộc lan trong thiết kế sân vườn

Cách trồng cây hoa mộc lan

  • Chuẩn bị đất trồng:

Lựa chọn vị trí trồng: cây mộc lan phát triển tốt trong ánh nắng đầy đủ hoặc một phần bóng râm và cũng nên chú ý đến việc chống gió, nếu trồng ở vị trí đón gió thì hoa dễ bị gió làm hỏng khi hoa nở rộ.

Cải tạo, xử lý đất: cây hoa mộc lan ưa phân bón, nhưng tránh dư thừa nhất là phân đạm, cây phát triển tốt nhất trên đất thịt tơi xốp, giàu chất hữu cơ, thoát nước tốt. Đất đá vôi hay đất phèn rất bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây mộc lan, khi giá trị pH của đất vượt quá 7,0 cây sẽ sinh trưởng kém. Đối với đất mặn kiềm nên thay thế đất mới để trồng và sử dụng các loại phân bón giàu chất hữu cơ như phân bò hoai mục, phân gà vịt,…., không chỉ giàu chất dinh dưỡng mà còn đặc biệt hiệu quả trong việc giảm độ kiềm của đất.

  • Tiến hành trồng cây:

Đào hố và xử lý đất: Cây hoa mộc lan thích môi trường đất sâu, hơi chua, phương pháp được sử dụng là đào hố lớn. Đối với cây mộc lan cao 2-3 mét, hố trồng cây phải dài 1,0 mét, rộng 1,0 mét và sâu 1,5 mét, ít nhất bằng 1 lần đường kính bầu đất của bầu đất. Biện pháp chồng úng nước ở đáy là lót xỉ than dày 20cm hoặc đá dăm dưới đáy hốc cây, cộng với trấu hun dày 10cm. Đất lấp hố nên được trộn với 20% cát để cải thiện tính thoáng khí của nó.

Bón phân hữu cơ hoai mục vào hố trước khi trồng. Bộ rễ của cây hoa mộc lan mềm, nhiều thịt và dễ gãy, rất dễ bị dập, khi trồng cần chú ý tránh làm gãy bộ rễ. Cây mộc lan cũng là loài cây có rễ ăn cạn, hút chủ yếu nước và chất dinh dưỡng từ lớp đất mặt. Để cây mộc lan cứng cáp, ổn định, không bị đổ sau khi trồng, nên trồng ở độ sâu vừa đủ. Độ sâu trồng phải sâu hơn bầu đất ban đầu 2-3 cm và đảm bảo cổ rễ vùi dưới đất, nếu không cổ rễ sẽ lộ ra ngoài và mầm sẽ mọc thành cụm. Và nơi trồng cây mới không nên phủ cỏ trong phạm vi đường kính của tán mà để lại một mặt đất trống vừa phải cho sự trao đổi khí của rễ cây mộc lan

cay-hoa-moc-lan-dep-2a

Cách chăm sóc cây hoa mộc lan

Chăm sóc cây hoa mộc lan được chia thành 2 giai đoạn gồm: giai đoạn sau khi cây mới trồng và giai đoạn khi cây đã trồng ổn định.

  • Chăm sóc cây mới trồng:

Rễ cây hoa mộc lan dễ bị mất nước nên khi đào, vận chuyển và trồng phải nhanh chóng, kịp thời để không bị mất nước nhiều ảnh hưởng đến khả năng sống của cây. Sau khi trồng cố định rễ đầu tiên phải kịp thời tưới nước đẫm để bộ rễ có thể tiếp xúc hoàn toàn với đất và có lợi cho sự sống. Sau 7-10 ngày tưới lần 2. Khoảng 20 ngày rồi tưới lần 3. Nếu trồng cây mộc lan trong thời điểm mùa hè nắng nóng thì bạn cần rút ngắn thời gian tưới nước hơn.

Bảo vệ thân cây: thân cành mộc lan rất có thể bị nắng thiêu đốt, làm cho vỏ bị nứt và thối rữa, gây hại nặng. Đối với cây hoa mộc lan mới trồng loại cây to có thể dùng dây rơm quấn lên cao khoảng 2m để giảm bớt sự bốc hơi nước, khi trời khô phun nước lên để tạo độ ẩm nhỏ.

Giá đỡ cây: sau khi trồng, thân cây hoa mộc lan cần được cố định bằng giá đỡ để tránh rung lắc. Nếu không dựng giàn chống, rễ cây sẽ không tiếp xúc sát với đất do thân cây bị rung lắc, tạo thành các kẽ hở, dễ làm rễ cây bị mất nước, ảnh hưởng đến sự sống. Tuy nhiên, khi dựng các giá đỡ, nên cắm cọc vào đất trước khi trồng thay vì sau khi trồng cây mộc lan để không làm hỏng bộ rễ.

  • Chăm sóc cây hoa mộc lan khi đã sống ổn định:

Bón phân: cây hoa mộc lan là loài cây ưa phân đạm và lân, hàng năm nên bón phân lân, có thể bón mỗi cây 500 gam supe lân. Trong thời kỳ sinh trưởng hoặc sau khi hoa tàn có thể bón lót phân chuồng loãng 1-2 lần để thúc hoa phân hóa mầm. Chỉ bằng cách này, lá cây hoa mộc lan sẽ xanh tươi và hoa nở rộ, khả năng kháng bệnh của cây có thể được nâng cao, và hoa sẽ to hơn vào năm thứ hai.

Xới đất và làm cỏ: Mộc lan là loài cây thân gỗ, rễ ăn nông, không nên xới đất xung quanh cây hoa mộc lan quá sâu để tránh làm tổn thương bộ rễ, đặc biệt là vùng đất trong phạm vi tán cây chỉ nên làm cỏ hoặc xới lỏng trên bề mặt. Tuy nhiên vòng bên ngoài nó có thể được đào sâu để tạo điều kiện cho bộ rễ mở rộng thuận lợi.

cay-hoa-moc-lan-vang-211a

Trên đây là toàn bộ những thông tin hữu ích và cơ bản nhất về cây hoa mộc lan, hy vọng sẽ giúp ích được các bạn đang quan tâm về loài hoa này.